- Trang chủ
- Ân Thù Kiếm Lục
- Chương 4: Cuồng ngạo chấp vương hầu
Tác giả: Cổ Long
Nhưng nàng chưa chạm vào mình, hắn đã tự đứng lên được, đứng lên rồi hắn lại ôm chầm lấy Tiểu công chúa, run run giọng thốt :
- Nguy! Nguy rồi cô nương ơi! Trời long, đất sụp.
Chúng ta chạy nhanh lên, nếu không thì mất mạng cả.
Tiểu công chúa bật cười khanh khách :
- Tiểu tử! Ai bảo với ngươi là trời long đất sụp? Bất quá, chiếc thuyền của chúng ta vào bờ, chạm phải đất liền. Ngươi sợ đến thế ư?
Phương Bửu Nhi sững sờ, một lúc lâu, mới cất tiếng được :
- Chúng ta... đang ở trên thuyền?
Tiểu công chúa gật đầu :
- Không ở thuyền thì ở đâu?
Phương Bửu Nhi trố mắt :
- Nếu là ở trên thuyền, tại sao tôi không có cảm giác gì cả? Ít nhất con thuyền cũng chao chao, không mạnh cũng nhẹ chứ?
Tiểu công chúa cười hì hì :
- Chỉ vì con thuyền to lớn quá, vì nó to lớn nên sóng chẳng làm gì chuyển nó nổi, ngươi còn cảm thấy nó chao chao làm sao được?
Rồi nàng gắt :
- Thôi buông ta ra đi!
Đến lúc đó, Phương Bửu Nhi mới nhận ra là trong lúc hoảng hốt, hắn ôm chầm lấy nàng, hắn thẹn đỏ mặt, buông nàng ra ngay, nhưng cũng liền lúc, hắn cảm thấy vòng tay chạm vật gì mềm mại quá, vật đó lại thơm thơm, lúc ôm cứng thì chẳng nghe gì, khi buông lơi rồi mới cảm thấy, tự nhiên hắn tiếc...
Tiểu công chúa trừng mắt :
- Nam nữ thọ thọ bất thân, vừa rồi ngươi ôm ta là ý tứ ra sao?
Câu nói đó, cách không bao lâu thời gian, nhưng Phương Bửu Nhi đã nói với một người, bây giờ có người nói với hắn y câu đó. Hắn thoáng đỏ mặt, ngây người chết thẹn, đúng là cái cảnh dở khóc dở cười.
Tiểu công chúa lại hét lên :
- Nói! Nói đi chứ! Ý tứ ngươi ra sao mà dám chạm vào mình ta?
Phương Bửu Nhi cúi thấp đầu, ấp úng :
- Tôi... tôi...
Hắn biết rõ là hắn khiếm nhã, nhưng nói làm sao cho xuôi đây? Y cần phải nói gấp, lại không có lời ổn thỏa, thành ra hắn khẩn trương ra mặt, hắn suýt bật khóc.
Bỗng Tiểu công chúa bật cười khanh khách :
- Thôi đừng quýnh quáng, ta nói đùa đấy. Thật ra thì ta cũng thích ngươi ôm ta lắm, ngươi ôm ta, ta nghe khoan khoái vô cùng!
Rồi bất thình lình nàng vươn hai cánh tay tới ôm quanh cổ hắn, rồi nàng ngẩng mặt, tìm má hắn, đặt môi vào, môi cận má thì nàng im, môi rời má thì nàng cười hì hì, cười hắc hắc.
Sau cùng nàng buông hắn ra, dang ra xa.
Phương Bửu Nhi lúc đó chẳng rõ mình khoan khoái hay chua chát nữa, hắn ngây người nhìn nàng, dù sao thì hắn cũng cảm thấy sự cọ chạm vừa qua, môi nàng áp vào má hắn, ngực nàng ép sát ngực hắn, hơi thở nàng phều phào, nhịp tim nàng thình thịch, hắn nghe sự cọ chạm đó gây cho hắn một đê mê, một rờn rợn...
Nàng bước đi được vài bước, dừng lại quay đầu nhìn hắn, chớp chớp mắt :
- Ngươi câm à?
Không câm thì còn nói gì? Chẳng lẽ bảo cho nàng biết là hắn đê mê, hắn rờn rợn, chẳng lẽ gọi nàng trở lại, tái diễn cảnh đó?
Hắn vẫn ngây người đứng lặng.
Nàng nói :
- Ngươi còn thiếu mấy điều kiện nữa?
Phương Bửu Nhi nhẩm tính, rồi đáp :
- Bốn!
Tiểu công chúa há miệng cười giòn, bày hai hàm răng trắng đều đặn :
- Vậy mà ta tưởng ngươi bỗng nhiên lại câm ngay. Thì ra ngươi còn nói được. Còn nói được sao ngươi nín lặng? Ta hỏi ngươi đang nghĩ gì?
Phương Bửu Nhi lắc đầu quầy quậy :
- Chịu thôi? Không nói được đâu. Ai lại nói những ý nghĩ đó ra chứ.
Tiểu công chúa hơi đỏ mặt một chút :
- Nói! Nói! Ta muốn ngươi nói cho ta nghe? Ta nóng nghe đây?
Phương Bửu Nhi né câu chuyện :
- Tôi tưởng... tôi tưởng con thuyền này... đã cặp bờ, chắc trên bờ có nhiều sự lạ lùng đáng xem, nếu cô nương muốn xem...
Tiểu công chúa sửng sốt trố mất nhìn hắn, chừng như nàng có vẻ thất vọng.
Không rõ vì sao, nàng vụt quay lưng lại hắn, chừng như chẳng muốn nhìn thấy hắn nữa, rồi nàng cúi gầm đầu xuống chừng như nàng khóc.
Phương Bửu Nhi vội bước tới, thấp giọng nói :
- Cô nương... Cô nương làm sao thế!
Tiểu công chúa cắn môi, giậm chân, không quay nhìn hắn, chỉ vẫy tay phía sau khoát khoát nói :
- Đi đi! Dang xa ta!
Phương Bửu Nhi dịu giọng :
- Nói đi, cô nương nói cho tôi biết tại sao cô nương khóc?
Tiểu công chúa căm hờn :
- Tiểu tặc! Tiểu quỷ! Tiểu bại hoại! Ta không nói! Ta không bao giờ nói cho ngươi biết đâu. Hừ? Ta hiểu mà, vừa rồi nào có phải ngươi nghĩ ngợi về ta đâu. Ta hận ngươi! Ta chẳng nói gì với ngươi đâu!
Nói như thế có khác nào sẽ cho hắn biết những gì nàng đang nghĩ, có điều đang lúc hận tràn lòng, nàng còn gay gắt vậy thôi, chung quy rồi nàng cũng nói. Vì hận, nàng hận vì Phương Bửu Nhi không dành trọn tâm tư nghĩ về nàng, lại nghĩ đến cái việc lên bờ xem cảnh.
Trên bờ thì có gì đáng xem? Hắn không thích ở cạnh nàng sao, lại đề nghị lên bờ? Nàng không xứng đáng cho hắn nhìn ngắm sao, lại đòi lên bờ?
Nàng hận như một đứa bé bị bạn lứa lờ đi để nghĩ đến chuyện gì khác. Nàng hận vì Phương Bửu Nhi không dành trọn tâm tư cho nàng.
Nàng bị chạm tự ái.
Phương Bửu Nhi thở dài :
- Ai bảo là tôi không nghĩ ngợi gì về cô nương? Tôi luôn luôn nghĩ ngợi về cô nương, phút giây nào tôi cũng nghĩ đến cô nương, tôi nghĩ ngợi đến phát cuồng được đấy cô nương ơi! Nín đi, cô nương đừng khóc, đừng khóc nhé.
Tiểu công chúa vụt quay mình lại đưa tay áo lau lệ, miệng điểm nụ cười, gằn từng tiếng :
- Thật vậy không?
Phương Bửu Nhi gật đầu :
- Thật mà! Ai nói dối cô nương làm gì?
Trong thâm tâm hắn tự trách mình :
- Tại sao ta có thể nói như vậy được? Từ bao lâu nay, có khi nào ta nói dối lừa người đâu? Sao bây giờ ta làm được việc đó? Hừ? Thật sự thì việc lừa người chẳng tốt đẹp gì đó, song hiện tại ta chẳng còn cách nào làm khác hơn bởi ta muốn cùng nàng lên bờ, có lên bờ ta mới tìm được cơ hội thoát đi. Thì muốn trở về nhà, ta phải lừa nàng, thiết tưởng ta chẳng có lỗi gì cả. Như vậy là ta làm một việc rất hợp lý, bởi biến phải quyền, cứ cố chấp tiểu mãi thì ta phải kẹt mãi. Huống chi đó là có lừa nàng, bất quá là chỉ muốn nàng vui vẻ, cởi mở kia mà, ta có hảo ý chứ đâu phải có ác tâm đối với nàng...
Đã có lý do tắc trách việc làm, Phương Bửu Nhi chẳng còn thắc mắc nữa.
Hắn nhìn sang Tiểu công chúa thấy nàng ngóc đầu trên bàn tay ra chiều suy nghĩ xa xôi.
Bỗng nàng hỏi :
- Có thật trên bờ vui lắm không? Ta... ta muốn lên đó xem cho biết!
Phương Bửu Nhi như cởi mở trong bụng, nhưng vẫn tỉnh bơ thản nhiên thốt :
- Có lẽ vui lắm, bởi dù sao thì khung cảnh trên bờ cũng không giới hạn quá hẹp hòi như trên một con thuyền. Cô nương muốn lên đó, thì cứ lên!
Tiểu công chúa thở dài cất giọng u buồn :
- Mỗi năm khi thuyền cập bến, gia gia có cái lệ nghiêm cấm ta trong vòng năm mười hôm bước ra khỏi phòng dù là một bước. Hiện tại chỉ là ngày thứ ba mươi mốt, làm sao ta dám rời phòng lên bờ được?
Phương Bửu Nhi thầm thương hại nàng, nghĩ :
- Thì ra nàng luôn luôn bị cấm cố trên thuyền, chẳng có cơ hội lên bờ, nhìn trời cao đất rộng, thảo nào mà nàng chẳng thấy một nam nhân, ngoài gia gia nàng? Thảo nào mà nàng chẳng mù mờ thế sự, suốt ngày nàng có việc gì làm khác hơn là đọc sách, ngâm thi, rồi suy nghĩ vẩn vơ. Cho nên trong cái quẩn, nàng khó tránh mang phiền phức vào tâm hồn.
Sống trong tịch mịch như thế, dù có ngồi trên bạc vàng cũng chẳng thú vị gì. Tưởng nên an ủi nàng một câu mà cũng vừa khuyến khích nàng, giả sử nàng chấp nhận thì hắn sẽ có dịp may, hắn dịu giọng thốt :
- Nếu lệnh tôn cấm đoán như vậy thì chúng ta liệu cách lén lên bờ.
Dù có bị phát giác ra, thiết tưởng cũng không phải là một tội nặng!
Tiểu công chúa trừng mắt, trong ánh mắt của nàng có vẻ kinh khiếp vô cùng :
- Lén? Gia gia sẽ phẫn uất, gia gia có thể chết vì sự phẫn uất đó!
Qua khẩu khí của nàng Phương Bửu Nhi biết ngay từ bao lâu rồi, nàng chẳng hề làm điều gì trái ý thân phụ nàng. Nàng xử sự đúng theo câu áo mặc chẳng quá khỏi đầu, phận làm con, cha mẹ khiến sao hay vậy.
Phương Bửu Nhi đưa ý kiến :
- Lệnh tôn không hay biết thì làm sao phẫn uất?
Tiểu công chúa lắc đầu không đáp.
Phương Bửu Nhi nói tiếp :
- Chúng ta len lén lên bờ, nhìn qua cảnh vật một tí, rồi xuống thuyền ngay, chúng ta sẽ thấy biết bao cái lạ, chẳng hạn liễu rủ đào hồng, chiếc cầu xinh, giòng nước nho nhỏ.
Tiểu công chúa đảo mắt đen lay láy, ánh mắt chớp ngời, trong ánh mắt đó hiện rõ cái ý muốn liều lên bờ, sau cùng nàng cười nhẹ gật đầu :
- Phải đấy? Gia gia không hay biết thì làm sao phẫn uất?
Phương Bửu Nhi vuốt :
- Tôi đã nói cô nương là con người thông minh tuyệt đỉnh, đã nghĩ đến việc gì nhất định là chu đáo lắm.
Nghe hắn tán, Tiểu công chúa cao hứng vỗ tay nhưng vẫn làm ra vẻ thơ ngây lỏi :
- Thật à? Ta thông minh lắm à? Hừ, ngươi dối gạt ta đó. Lúc ta lên năm tuổi, học kiếm thuật, gia gia ta thường mắng là ta ngu ngốc, rồi qua năm ta được sáu tuổi...
Nàng kéo dài câu chuyện, cốt để nghe Phương Bửu Nhi lập đi lập lại là nàng thông minh, càng nghe hắn lán, nàng càng khoái trá.
Phương Bửu Nhi sợ nàng nói mãi xa dần vấn đề chánh, và có khi nàng không còn thích lên bờ nữa, nên chỉ ấm ớ khen thêm mấy tiếng rồi buông gọn :
- Chúng ta có thể qua lọt cửa trước chăng? Bọn nào canh giữ phía đó?
Tiểu công chúa dù ngồi đấy mà nghe hắn tán tụng suốt ngày cũng chẳng chán, nghe hắn khen bâng quơ mấy tiếng, nàng tỏ rõ thất vọng ra mặt, đã thất vọng. thì còn gì cái hứng lên bờ, nàng đáp nhẹ :
- Bên ngoài cửa có đông người lắm. Nhưng... nơi đây có một lối thông bí mật có thể theo con đường đó đi thẳng đến khách sảnh của con thuyền, mà khỏi lẩn ra lối cửa trước. Đến khách sảnh rồi ta có cách lên bờ mà không ai trông thấy.
Phương Bửu Nhi mừng thầm thốt :
- Vậy thì hay quá!
Hắn trầm ngâm một chút tỏ vẻ lo ngại :
- Nếu lệnh tôn có mặt tại khách sảnh?
Tiểu công chúa lắc đầu :
- Suốt ngày gia gia ở trong thư phòng, không khi nào người có mặt tại đại sảnh.
Nàng vừa thốt vừa bước tới trước tấm gương bằng đồng. chải lại mái tóc.
Phương Bửu Nhi giục :
- Đi cô nương? Chúng ta nhanh lên một chút!
Tiểu công chúa quay lại trừng mắt nhìn hắn, gắt :
- Ít nhất ngươi cũng phải để cho ta sửa dạng lại một chút chứ! Nếu luộm thuộm quá ta còn làm sao nhìn thấy người trên bờ?
Phượng Bửu Nhi lại tán :
- Vậy là đẹp lắm rồi. Bình sanh tôi chưa từng thấy thiếu nữ nào đẹp bằng cô nương, dù cô nương không sửa soạn, cũng xứng đáng là đệ nhất giai nhân trong thiên hạ.
Tiểu công chúa sáng mắt lên :
- Thật vậy à? Ta...
Phương Bửu Nhi sợ nàng lại biến chứng, dần dà rồi mất cơ hội, hấp tấp gật đầu :
- Nói thật mà, cô nương cứ tin tôi!
Rồi hắn hỏi nhanh :
- Lối đi bí mật ở chỗ nào đâu, cô nương?
Tiểu công chúa đưa bàn tay trắng có ngón thon tròn chỉ bên dưới bức màn :
- Phía dưới, bên trong bức màn đó.
Nàng bước tới vẹt bức màn qua một bên, phía sau, quả có một lối đi hơi ăn sâu xuống lườn thuyền.
Nàng đứng lại tại đó, quay đầu nhìn Phương Thiếu Nhi bám sát bên nàng, do dự :
- Ta sợ quá? Tim ta bắt đầu đập mạnh rồi!
Phương Bửu Nhi vội tìm lời trấn an nàng, rồi cả hai, theo lối đi bí mật đó tiến tới.
Một con đường trong khoang thuyền tự nhiên không được rộng lắm, và phải khúc chiết quanh co, họ đi một lúc thì đến bậc thang.
Tiểu công chúa khẽ thốt bên tai hắn :
- Lên tới đầu thang, là lọt vào đại sảnh.
Nàng với tay nắm cánh tay Phương Bửu Nhi từ từ tiến lên từng nấc thang.
Từ lúc vào con đường bí mật, Phương Bửu Nhi hồi hộp vô cùng, càng đi tới hắn càng hồi hộp hơn, tim hắn đập mạnh, chân hắn run run cơ hồ ngã xuống.
Đến đầu thang, Tiểu công chúa đẩy nắp ván lên chui ra. Phương Bửu Nhi chẳng chậm trễ theo liền.
Trong con đường bí mật bóng tối dày bao nhiêu thì nơi đây sáng sủa bấy nhiêu. Tuy trong một khoang thuyền nhưng khách sảnh rộng rãi không kém tại một dinh thự nào, đủ biết con thuyền này to lớn đến đâu, có lẽ nó to hơn một tòa nhà nguy nga đồ sộ trên đất liền.
Vào một khung cảnh lạ, Phương Bửu Nhi không còn tâm tưởng nào nhìn ngang nhìn dọc, chủ tâm của hắn là làm sao lên được đất liền, hắn vội bước đến cạnh cửa sổ nơi hông nhìn ra bên ngoài.
Nhưng vừa lúc đó có tiếng chân người vang lên, tiếng chân càng lúc càng nghe lớn, chứng tỏ người nào đó đang tiến đến khách sảnh.
Phương Bửu Nhi thầm kêu khổ :
- Thế là hỏng? Vĩnh viễn ta không còn cơ hội nào nữa rồi.
Hắn nhìn qua Tiểu công chúa, trông thấy nàng biến sắc, mặt trắng nhợt, nàng run run giọng thốt gấp :
- Nguy! Nguy rồi! Có người đến? Làm sao bây giờ?
Nàng nắm lay Phương Bửu Nhi ý chừng định lôi hắn trở lại khoảng trống chui xuống thang...
Nhưng tiếng chân người mỗi lúc mỗi vang lên rõ rệt, nàng không còn kịp kéo Phương Bửu Nhi chui xuống, ngó quanh quẩn chợt nàng thấy nơi một góc khách sảnh có bức màn, rũ xuống sát sàn thuyền, cả hai không còn chần chờ được nữa vội nhào về phía đó, chui qua bên kia bức màn.
Tiểu công chúa ghé sát miệng bên tai Phương Bửu Nhi thì thầm :
- Đừng nhúc nhích! Đừng nhé! Nếu gia gia ta phát giác ra, ta sẽ khổ mà ngươi cũng chẳng an nhàn gì đâu!
Phương Bửu Nhi bị hơi gió từ miệng nàng phào qua lỗ tai, nghe nhột nhột suýt buột miệng cười, nhưng hắn dằn lại được, khẽ gật đầu tựa lưng vào vách.
Hắn đứng đúng một chỗ có lợi thế, nhìn được bên ngoài, nhưng muốn nhìn phải nhắm một bên mắt, nhìn bằng một bên, vì trước mặt hắn có một khe hở nhỏ.
Bên ngoài bức màn, lúc đó một người xuất hiện có thân hình to lớn, người đó là một nữ nhân, song thân vóc lực lưỡng như một nam nhân, khom mình quét khắp mặt sàn thuyền, dù sàn thuyền đã sạch bóng.
Quét xong, người đó lại lấy vải lau, tiếng lau nghe soàn soạt.
Bỗng có tiếng vòng ngọc chạm vào nhau, vang bên tai hắn, hắn thầm nghĩ :
Tiểu Linh Đang! Nàng đã đến!
Đúng như Phương Bửu Nhi dự đoán, Tiểu Linh Đang bước vào hỏi :
- Đã sạch sẽ chưa?
Nữ nhân đáp :
- Trình cô nương, đã sạch rồi!
Nữ nhân vâng một tiếng, thu dọn chổi giẻ, rồi bước ra.
Phương Bửu Nhi thầm kêu khổ, than khẽ :
- Lại nguy nữa rồi? Khách đâu có khách tai hại thế! Trước không tới, sau không tới, lại chờ lúc ta có mặt tại đây mà tới! Tới đây rồi chừng nào mới rời đi?
Đứng trong chỗ khuất, Tiểu công chúa chẳng thấy gì bên ngoài bức màn, chỉ thấy Phương Bửu Nhi chăm chú nhìn qua khe hở, động tính hiếu kỳ, nàng tới gần hơn, khom mình nhìn như hắn.
Lúc nàng ghé mắt vào khe hở, bên ngoài Linh nhi hai tay kéo là áo cho thẳng và nhếch lên, mình hơi nghiêng tới, cất giọng cung kính thốt :
- Chỗ tiếp khách đã lau sạch sẽ rồi, cung thỉnh Hầu gia đến xem qua!
Có tiếng cửa mở, cửa đóng mấy lượt, điều đó có nghĩa là có nhiều vọng cửa được mở, đóng, rồi tiếp theo đó, tiếng y phục vang lên...
Mười sáu thiếu nữ vận cung trang, quần quét đất, tay cầm thẻ ngọc, tay cầm quạt tơ, từ từ bước vào, phân đứng hai bên.
Kế đó, bốn thiếu nữ khác cũng vận cung trang, tay cầm dĩa vàng, ủng hộ một người vận áo màu tía, bước trên nệm gấm từ từ bước vào.
Phương Bửu Nhi đảo mắt đủ mọi cách nhưng chẳng làm sao trông thấy mặt mày, hình dáng người áo tía, giữa bọn thiếu nữ cung trang, bất quá hắn chỉ thấy từng lõm y phục qua lỗ hổng giữa bọn thiếu nữ, chứ chẳng hề nhìn được độ nửa phần người, dù trên dù dưới.
Tiểu công chúa vạch bàn lay Phương Bửu Nhi, dùng ngón viết vào lòng ba chữ: “Gia gia ta.”
Phương Bửu Nhi gật đầu, hắn đang chăm chú nhìn người đó, nhưng không trông thấy gì cả, bọn thiếu nữ cung trang giăng hàng ngang, chặn tầm mắt của hắn.
Chẳng những bọn thiếu nữ che khuất mà khi người đó vào trong đại sảnh, lại có một tấm bình phong ngăn chặn, nếu chàng cố nhếch đầu lên cao thì sợ gây nên tiếng động, còn như cúi thấp xuống bất quá chỉ thấy đôi chân.
Chàng ước đoán, có lẽ đó là một kỳ nhân, tính hiếu kỳ, mỗi phút mỗi khích động, chẳng biết làm cách nào trông thấy rõ mặt mày được.
Tuy nhiên, nhón cao không được, hắn lại cúi thấp cúi sát sàn thuyền, dù chẳng thấy gì nhiều, cũng thấy ít, thà có thấy còn đỡ tức hơn.
Bên cạnh đôi chân người đó có một con mèo, nằm khoanh, lông trắng mượt.
Hắn chỉ thấy được bao nhiêu đó thôi!
Bỗng, có tiếng tiêu, tiếng sáo vang lên, rồi nhiều loại nhạc khí khác phụ họa, tiếng nhạc vang rền, Phương Bửu Nhi chẳng rõ phát xuất từ phía nào.
Linh nhi lại kéo vạt áo, nghiêng mình sát ván thuyền, kính cẩn hỏi :
- Xin Hầu gia cho biết có thể mở cửa được chưa?
Bên trong bức bình phong, một giọng nói uể oải vang lên :
- Ngươi là sứ giả tiếp khách, mọi việc tùy ngươi định liệu!
Giọng nói tuy uể oải, nhưng hòa hoãn, dịu hiền, một giọng nói của hạng người bình sanh không hề khẩn cấp, nôn nao, bất cứ trong trường hợp nào. Giọng nói của hạng người bình tĩnh lạ.
Không khẩn cấp, không nôn nao, tất nhiên không bao giờ quan tâm đến bất cứ sự việc gì, có lẽ trời sanh ra người đó, để hưởng đúng hai chữ vô sự.
Linh nhi vâng một tiếng, dập đầu lượt nữa đoạn đứng lên xoay mình bước đi.
Phương Bửu Nhi chăm chú nhìn bên dưới tấm bình phong, bỗng thấy một bàn tay trắng như ngọc, không chút tỳ vết, hai ngón cái và trỏ kẹp đuôi một con lý ngư, cá màu vàng phản ánh với màu trắng của bàn tay, cả hai màu đều óng ánh chớp ngời.
Rồi thì con mèo trắng muốt vươn dài mình ra, ngẩng mỏ đớp nhanh lý ngư, đớp xong cong mình khoanh tròn nơi chân của chủ nhân.
Người vận áo tía đưa bàn tay đó, xoa xoa trên mình con mèo ra chiều quý mến nó lắm.
Phương Bửu Nhi mục kích cảnh đó, vừa kinh hãi vừa mừng.
Hắn kinh hãi vì lý ngư, màu vàng, một sinh vật rất quý, một con như thế trị giá ít nhất cũng trăm vàng, đắt giá như vậy mà người áo tía lại tìm cho kỳ được, chẳng tiếc rẻ gì đem cho con mèo ăn. Trên thế gian này có ai dám lấy vật trị giá trăm vàng nuôi thú? Và nuôi hằng bữa?
Còn hắn mừng là vì chung quy rồi hắn cũng thấy được bàn tay của người đó.
Thấy được một bàn tay, trong khi hắn mong muốn thấy toàn diện con người, kể ra cũng đủ lắm rồi, hơn là chẳng thấy gì hết.
Lúc đó Linh nhi đã ra khỏi cửa thuyền đứng trước mũi. Sóng nước vỗ mạn thuyền, bắn bọt tung tóe, bọt văng lên sàn thuyền. Trước mũi thuyền có ba chiếc bè, trên bè có độ mấy mươi người, cao có, thấp có, ốm mập bất đồng đang đứng thẳng người.
Con thuyền rất lớn, lường sâu trong nước, vì sâu nên thuyền không cặp sát bờ được, từ thuyền vào bờ phải dùng bè.
Mũi thuyền cao, bè dưới thấp, Linh nhi đứng đó chẳng khác nào một tiên nữ hạ trần, chơi vơi nửa từng trời xanh nhìn xuống, còn người trên bè thì ngẩng mặt nhìn lên.
Linh nhi điểm nụ cười hòa dịu, cất tiếng hỏi :
- Các vị đến đây, chỉ để nhìn tôi hay có ý tham kiến Hầu gia?
Mấy mươi người đó giật mình, chưa kịp nói gì, Linh nhi tiếp :
- Nếu các vị có ý tham kiến Hầu gia, tôi xin mời tất cả lên thuyền!
Bọn người trên bè nhao nhao, ai cũng muốn lên thuyền.
Đột nhiên, Linh nhi cao giọng :
- Hãy khoan! Hầu gia có trao tôi một bảng danh sách đây, chỉ những người nào có tên trong danh sách mới được lên thuyền, không có tên mà cứ lên, thì chừng muốn xuống bè cũng không được đâu đấy! Tôi có lời nói trước, nếu có vị nào chẳng tuân theo, lỡ có bề gì đừng trách tôi?
Người trên bè thì thầm bàn tán.
Có kẻ cao giọng nói :
- Hầu gia của cô nương vừa từ ngoài khơi cập bến, làm sao biết được những ai đến đây yết kiến mà lập bảng danh sách?
Linh nhi cười nhẹ :
- Việc nhỏ mọn như vậy, làm gì Hầu gia chúng tôi lại chẳng biết?
Nàng lấy trong tay áo ra một mảnh giấy mỏng, buông mảnh giấy bay xuống bể.
Người trên bè đinh ninh là thế nào mảnh giấy cũng bị gió tạt bay luôn ra biển, bất ngờ mảnh giấy như có bàn tay điều khiển, từ trên rơi xuống không chênh lệch chút nào, rơi đúng trên bè.
Có kẻ thích chí quá reo lên :
- Tuyệt! Tuyệt! Cô nương quả có công phu tuyệt đỉnh.
Linh nhi mỉm cười :
- Các vị cứ đọc danh thiếp, ai có tên cứ tự tiện lên thuyền!
Danh sách ghi đúng tất những người thành danh, hiện có mặt trên bè. Trong số những người hiện diện, có mặt vị thuộc hàng thông thường chẳng mấy được trọng vọng lắm, những người đó không có tên trong bảng danh sách.
Tất cả đều lộ vẻ kinh hãi ra mặt.
Linh nhi trông thấy thần thái của họ, khẽ điểm một nụ cười đắc ý, ánh thu ba chớp lên, thốt :
- Nào, xin mời những vị nào có tên trong danh sách, lên thuyền ngay.
Nàng quay mình bước vào khoang thuyền.
Bọn người trên bè lần lượt lên thuyền, họ gồm toàn những tay có thuật khinh công tuyệt diệu, từ dưới bè nhảy lên đáp xuống sàn thuyền, không gây một tiếng động.
Nếu Phương Bửu Nhi có mặt tại chỗ lúc đó, hắn sẽ ức đoán là Linh nhi đã lên bờ quan sát tình hình trước, kiểm điểm số người, hỏi rõ tên họ lai lịch rồi lập bản danh sách. Trong khi nàng làm công tác đó, gặp hắn bắt hắn mang luôn về đây, giao cho Tiểu công chúa.
Nhưng hiện tại hắn bị kẹt sau bức màn trong đại sảnh, nên chẳng hiểu những gì đã xảy ra bên ngoài.
Hắn nấp tại đó một lúc lâu, nghe Linh nhi trở lại, hắn càng nép sát mặt xuống sàn thuyền, thấy hơn mười đôi bàn chân bước đều theo sau nàng.
Những đôi bàn chân đó có hình thức bất đồng, màu và kiểu của những đôi giày cũng bất đồng luôn. Trong số đó có một cặp chân không mang giày.
Phương Bửu Nhi lấy làm lạ, thầm nghĩ :
- Cứ theo khí thái của Hầu gia, thì lão hẳn là một nhân vật phi thường, thế tại sao lão thỉnh số tân khách quái dị? Họ mang những kiểu giày hết sức quái đản, bình sanh ta chưa hề trông thấy.
Linh nhi cao giọng trình :
- Tân khách đã đến, xin Hầu gia phát lạc!
Có giọng nói vừa trầm dịu vừa hòa hoãn vang lên :
- Mời vào!
Hai mươi đôi bàn chân từ từ bước qua Linh nhi vượt qua cửa đại sảnh vào trong.
Cớ kẻ mọp sát cung kính lạy, nhưng tất cả đều đứng lại không ai dám bước xa hơn ngưỡng cửa ngoài ba thước.
Phương Bửu Nhi biết rõ những kẻ nào không lạy, hẳn phải nghiêng mình vòng tay vái chào, rồi phân ra dạt về hai bên vách đại sảnh ngồi xuống ghế đã được kê sẵn.
Riêng có người đi chân không, từ lúc vào đại sảnh không hề dừng bước, cứ đi thẳng đến ghế ngồi xuống.
Phương Bửu Nhi động tính hiếu kỳ muốn biết rõ dung mạo của người đó, để xem hắn là con người như thế nào lại thản nhiên đặt ngoài vòng cung cách sùng kính của tân khách dành cho Hầu gia.
Hắn đứng lên, nhón gót, cố nhìn qua khe hở bức màn, từ bên trên đầu tấm bình phong, nhưng mười sáu nàng thiếu nữ vận cung trang, đứng thành hàng chắn ngang tầm mắt, hắn chẳng trông thấy gì cả.
Bên ngoài Linh nhi nhoẻn miệng cười tươi đảo nhìn quanh tân khách một lượt, đoạn cao giọng nói :
- Các vị từ bốn phương tám hướng vượt nghìn dặm đến đây cầu kiến Hầu gia, chắc cũng phải thỉnh giáo những điều cần thiết, chẳng hay vị nào cất tiếng trước?
Một người đáp :
- Bọn tại hạ, chẳng từ đường xa, đến chốn này, tức nhiên là phải có việc cần thỉnh giáo nơi Hầu gia. Xét ra, người ở càng xa càng có việc tối quan trọng, vì quan trọng nên chẳng quản đường dài, và cũng vì cái lẽ tối quan trọng cần phải có nhiều thời gian mới trình bày cặn kẽ. Vậy những ai từ xa xôi đến nên nhường cho những vị ở cần nói trước bởi ở gần thì khi nào đến đây cũng được, dễ đi, dễ đến, thì sự việc dù sao cũng chẳng quan trọng hơn.
Giọng nói của người đó khó nghe vô cùng, mường tượng giọng của một con chim anh vũ nói tiếng người.
Linh nhi mỉm cười thốt :
- Nếu thế vị nào ở gần mà có sự việc ít quan trọng xin lên tiếng.
Bọn tân khách trầm lặng một lúc lâu, chưa ai chịu nói trước.
Bỗng một người cất tiếng :
- Các vị đã khiêm nhường thì Thiết Kim Đao tại đất Huỳnh Châu xin mạn phép thỉnh giáo Hầu gia trước tiên!
Câu nói buông dứt, một đại hán vận áo gấm bước ra.
Nhờ người đó đứng lên, Phương Bửu Nhi mới trông rõ được mặt mày của y, một gương mặt ở khoảng giữa hai màu đen tím, oai khí bốc ngời, tóc và râu đều bạc nhưng thần thái trông còn cường tráng lắm.
Tay cầm một chiếc hộp bằng gỗ đàn hương màu tím, hông giắt đao dài, vỏ đao có nạm ngọc chiếu sáng ngời.
Phương Bửu Nhi nào biết Thiết Kim Đao là nhân vật ra sao, song nhìn vào phong độ của lão, hắn cho rằng lão không kém ông ngoại hắn là Thanh Bình kiếm khách, hắn không khỏi ngưỡng mộ thầm.
Linh nhi nhìn lão hỏi :
- Thiết đại hiệp có biết quy củ của Hầu gia chăng?
Thiết Kim Đao nghiêng mình đáp :
- Tại hạ có biết. Xin cô nương đừng xưng hô tại hạ như thế làm tại hạ áy náy quá.
Linh nhi điểm một nụ cười :
- Với thanh kim đao đó, lúc thiếu thời Thiết anh hùng từng hạ sáu mươi bảy tướng cướp tại vừng Xuyên Ngạc thì hai tiếng đại hiệp nghĩ cũng thích đáng lắm chứ? Huống chi gần đây thanh danh nổi dậy như sấm rền tai, có thể bảo là công thành nghiệp tựu. Hôm nay đến đây chẳng hay Thiết đại hiệp có điều chi cần nhờ Hầu gia giải quyết?
Nàng nhấn mạnh :
- Đã biết quy củ của Hầu gia rồi, Thiết đại hiệp cứ trình lễ vật cho Hầu gia xem đi!
Thấy một thiếu nữ tuổi chưa tròn hai mươi lại biết được những hành động trong quá khứ xa xôi, không khỏi giật mình kinh hãi, lão kính cẩn nghiêng mình thốt :
- Tuân lệnh!
Đoạn lão hạ chiếc hộp bằng gỗ đàn hương xuống.
Tiếng là hộp, nhưng nó cũng khá to, bằng một chiếc rương nhỏ, lão mở nắp ra, kiểm điểm lại một lượt, rồi hai tay nâng cao.
Mọi người đều nghĩ là trong chiếc hộp đó phải có kỳ trân dị bửu, nhưng chiếc hộp chỉ đựng mấy quyển kinh, sách, giấy đã ngả màu vàng.
Lão cung kính thốt :
- Vãn bối chẳng có vật gì quý giá, chỉ có pho Phật Kinh của Vương Hy Chí xin mạo muội cung kiến Hầu gia!
Phương Bửu Nhi là con mọt sách, hắn thừa hiểu pho Phật Kinh của Vương Hy Chí bình chú là một pho sách quý giá vô cùng trên thế gian này không có một trân bửu nào sánh bằng, hắn giật mình, thầm hỏi lão ấy tìm đâu ra một pho sách quý, dâng lên cho gia gia Tiểu công chúa.
Giữa Hầu gia và tân khách có tấm bình phong chắn ngang từ bên trong có tiếng trầm trầm dịu dịu vọng ra :
- Thật vất vả cho ngươi quá. Linh nhi hãy thu nhận đi.
Giọng nói hết sức thản nhiên, chẳng biểu lộ một chút gì xúc động, chừng như vật báu do Thiết Kim Đao vừa cống hiến chẳng có giá trị gì đối với Hầu gia cả. Phàm con người dù chẳng có tánh tham, thấy được một vật báu vô giá trên đời, cũng không tránh được phần nào xúc động, hoặc phải tặc lưỡi, hoặc phải trố mắt hoặc buột miệng khen, thái độ có ít nhiều dao động. Nhưng vị Hầu gia này chẳng mảy may chú ý. Nghĩ cũng kỳ!
Linh nhi đưa tay tiếp lấy chiếc hộp, mỉm cười :
- Hầu gia đã chấp nhận lễ vật rồi, Thiết đại hiệp có gì xin cứ nói!
Thiết Kim Đao lộ vẻ mừng, lại nghiêng mình kính cẩn hơn bao giờ hết.
Lão suy nghĩ một chút rồi trấn tĩnh :
- Bảy mươi năm trước đây, tại đất Huỳnh Châu, có nhóm Ngọa Hổ Đao, tại đất Tín dương, do nhóm Bàn Long Câu, cả hai nhóm cùng quật khởi một lượt trên giang hồ, người đương thời xưng là Ngọa Hổ Bàn Long Đao Câu Song Hùng oai phong chấn dội, đanh dự chói lòa... Nhưng...
Linh nhi cười nhẹ, chặn lại :
- Nên vắn tắt một tí, Hầu gia còn nghe nhiều người khác nữa mà thời giờ không thể kéo dài cho cuộc tiếp xúc này. Tránh những sự khoa trương rườm rà là hơn!
Thiết Kim Đao thoáng đỏ mặt, đằng hắng một tiếng tiếp nối :
- Trong mấy mươi năm qua, hai nhóm đối xử với nhau hết sức thuận hòa, từng đi lại thân mật với nhau, mãi đến thời gian gần đây, cách độ mười bảy năm, lúc Hàn Nhất Câu tiếp thọ quyền điều khiển Bàn Long môn, tình thế từ từ đổi khác, Hàn Nhất Câu cho rằng cái danh hiệu Bàn Long môn phải đứng trước danh hiệu Ngọc Hổ, muốn vãn bối phải sửa lối xưng hô do giang hồ tặng từ trước, nếu không thì giữa hai môn phái có một cuộc quyết đấu để phân định tài nghệ song phương hầu điều chỉnh thứ tự của danh hiệu. Cuộc quyết đấu phải được khai diễn trước mặt quần hùng võ lâm, cho tất cả cao thủ giang hồ chứng kiến với tư cách trọng tài.
Linh nhi lại mỉm cười :
- Cái danh hiệu đứng trước hoặc đứng sau có thêm lợi lộc hay mất mát gì chăng?
Thiết Kim Đao thở đài :
- Thực tế thì... cô nương nói có lý, song dù sao cũng hơi chạm vào tự ái con người, cô nương ạ? Nhường trên nhịn dưới nào phải là việc dễ làm, khi việc đó có liên quan đến danh dự! Cho nên...
Lão dừng lại một chúi, câu nói hướng về Hầu gia :
- Vãn bối bắt buộc phải nhận cuộc đấu, chọn một khoảng đất trống ngoài thành Tích Dương làm chiến trường, và hào kiệt bốn phương tiếp được tin tức, cũng kéo về tấp nập, tạo nên cảnh nhiệt náo phi thường. Trong cuộc đấu đó đến chiêu thứ bảy trăm hai mươi, vãn bối bị Hàn Nhất Câu đánh trúng một câu...
Linh nhi vẫn giữ nụ cười mai mỉa :
- Do đó Thiết đại hiệp hận? Hận vì bất phục Hàn Nhất Câu nên hẹn năm sau tái đấu?
Thiết Kim Đao thở dài :
- Cô nương đoán chẳng sai. Tại hạ tịnh dưỡng tròn năm thương tích lành, công lực khôi phục, cuộc tái đấu lại khai diễn, vẫn tại địa điểm cũ, vẫn số khán giả của năm qua, có tăng cường quan trọng với số người hiếu kỳ, chưa được chứng kiến kỳ đấu trước. Khung cảnh nhiệt náo hơn mấy phần. Tại hạ quyết phục thù nên dốc toàn lực, cùng Hàn Nhất Câu tử chiến. Qua hơn mấy trăm chiêu, cuộc chiến càng khai diễn, lại hạ càng thấy mình chiếm ưu thế dần dần, cái chuyện tất thắng hầu như cầm trong tay. Nhưng đến chiêu thứ bảy trăm hai mươi, như năm xưa, Hàn Nhất Câu đột nhiên phóng chiêu câu sang, dùng y thủ pháp xưa, đánh tại hạ trọng thương cũng y chỗ cũ...
Linh nhi cười nhẹ :
- Thiết đại hiệp lại bại, bại đến hai lần song vẫn bất phục lại hẹn sang năm tái đấu, một cuộc đấu thứ ba?
Thiết Kim Đao đáp :
- Lần thứ hai đó, tại hạ bị thương nặng hơn lần trước, tại hạ phải tịnh dưỡng trong một thời gian rất lâu, mãi đến năm thứ năm cuộc tái đấu mới khai diễn để rồi... để rồi...
Linh nhi lại cười :
- Để rồi đại hiệp thủ bại luôn?
Thiết Kim đao lộ vẻ thẹn, trong vẻ thẹn có ẩn vẻ bi phẫn, lão ngửa mặt lên trần thuyền, thở dài :
- Bại là cái chắc rồi, song lại bại với một chiêu câu duy nhất đó, y như hai lần trước.
Linh nhi có phần nào kinh dị, nhìn sửng lão :
- Đại hiệp có võ công như vậy, lại hai lân thủ bại trước một chiêu duy nhất, thế chẳng rút được kinh nghiệm, tìm cách hóa giải độc chiêu của địch sao? Có ai lại giao đấu đến ba bốn lượt lại để mãi bị địch dùng một chiêu thức đánh bại? Ít nhất mình cũng đề phòng tránh né chứ?
Thiết Kim Đao trầm ngâm một lúc đoạn thở dài :
- Tại hạ làm gì không biết được điều đó hở cô nương? Tại hạ nghiên cứu tuyệt chiêu của họ Hàn, ngay sau lần thảm bại đầu tiên, tại hạ cũng có thỉnh hơn mười bằng hữu trong võ lâm quan sát cuộc chiến để nhận định chiêu thức đó góp ý trong việc nghiên cứu của tại hạ, nhưng...
Lão trầm gương mặt lộ vẻ tuyệt vọng tiếp :
- Bao nhiêu công trình đều cầm như dã tràng se cát lấp biển đông, chẳng một ai phát giác được một điều gì hữu ích!
Lão mơ màng, tiếp :
- Nếu đã thấy được chiêu câu của họ Hàn xuất phát như thế thì...
Linh nhi nói :
- Rồi trong lần tái đấu thứ tư?
Thiết Kim Đao trầm giọng :
- Trong cuộc tái đấu lần thứ tư, tại hạ hết sức lưu tâm đề phòng, vả lại với công phu khổ luyện qua bảy năm dài, võ thuật của tại hạ phải có ít nhiều tiến bộ, song...
Lão khẽ giậm chân, rồi lão cúi thấp đầu!
Linh nhi thốt :
- Đại hiệp cũng bại luôn? Đại hiệp sẽ tái đấu lần thứ năm, đại hiệp nhất định làm mọi cách để thắng được Hàn Nhất Câu trong lân tái đấu sau cùng. Muốn thắng họ Hàn, phải biết cách hóa giải tuyệt chiêu đó, mà hiện tại thì đại hiệp chưa biết cách hóa giải! Và chưa biết cách nên tìm đến đây thỉnh giáo Hầu gia...
Nàng dừng lại một chút rồi tiếp :
- Nhưng chiêu đó Hầu gia chưa hề trông thấy...
Thiết Kim Đao hấp tấp đáp :
- Tại hạ có ghi chú chiêu đó rất kỹ, cùng bộ vị của lối xuất thủ, thời gian xuất phát, phương hướng, giác độ, hiện tại tại hạ có thể biểu diễn cho Hầu gia xem!
Linh nhi thở dài :
- Đã biết rành như vậy mà không nghĩ ra cách hóa giải, thiết tưởng chiêu câu đó lợi hại đến đâu!
Thiết Kim Đao cố tất trách cái kém của mình :
- Chiêu câu đó, hình thức thì chẳng có gì đáng chú ý, song chỗ lợi hại tiềm ẩn bên trong, nhất là lúc chiêu câu biến ảo, chính bọn tại hạ cố tìm hiểu sự biến ảo đó, mà chẳng ai tìm ra, thành thử tại hạ chuốc thảm bại mãi....
Lão rút kim đao bên mình cầm tay, nói :
- Tại hạ tạm mượn đao thay câu xin diễn lại chiêu câu của họ Hàn, cho Hầu gia duyệt lãm.
Rồi lão múa đao, diễn tả lại chiêu câu từng gây thảm bại cho lão.
Phương Bửu Nhi lắng nghe cuộc đối thoại bên ngoài, hắn giật mình nhận ra âm thanh của lão già có cái tên là Thiết Kim Đao, quá quen thuộc với hắn, âm thanh đó giống hệt âm thanh của Hồ Bất Sầu. Nhưng hắn không triền miên suy nghĩ lâu được, tiếng động bên ngoài làm hắn chú ý, hắn lại lắng tai cố tìm khe hở nhìn ra...
Một tràng cười sang sảng vang lên, tiếp theo là một câu nói oang oang :
- Như vậy thì có gì tuyệt diệu, có gì lợi hại đâu. Một trẻ nít lên ba trong gia đình ta cũng thừa khả năng múa may như thế!
Câu nói buông dứt, tràng cười kế tiếp liền, tràng cười đầy ngạo nghễ.
Thiết Kim Đao phẫn nộ, dừng tay đao, cao giọng :
- Chính Thiết tôi phải thảm bại đúng bốn lượt trước chiêu thức độc nhất đó, vậy mà bằng hữu cho rằng là một trò múa rối của trẻ con.
Thiết tôi muốn thỉnh giáo bằng hữu...
Người vừa cười vừa thốt, lại bật cười, rồi thốt :
- Được! Được! Các hạ không nói, tại hạ cũng muốn chỉ giáo như thường. Thảm bại trước một chiêu quá thông thường như vậy, nghĩ cũng lạ, nếu không thể bảo là các hạ còn kém hết sức!
Từ một góc gian thuyền, một bóng người đứng lên, bóng đó nhún chân định vọt ra khoảng trống trước mặt Linh nhi.
Nhưng liền lúc đó, một người khác vọt theo nắm bóng trước lại.
Nhờ họ vọt lên cao, Phương Bửu Nhi trông thấy được, song thân pháp của họ quá nhanh, hắn cũng chẳng nhận định rõ ràng, đến y phục của họ thế nào hắn cũng chẳng nhận thức được.
Rồi giọng nói như giọng anh vũ nối tiếp người trước đó lại vang lên :
- Đây là quý địa của Tử Y Hầu, nếu lão huynh phóng túng hành động như vậy tất không tránh khỏi bị quở trách. Mà đã bị quở trách rồi, lão huynh còn mong vọng gì thỉnh cầu nơi người? Thành ra cái chuyến đi của lão huynh cầm như vô ích. Hãy trầm khí một chút.
Một tràng cười tiếp nối như loạt tiếng ngựa hí, liền theo đó một câu nói vang lên :
- Phải! Phải! Tiểu đệ xin vâng lời. Tiểu đệ chẳng dám buông lung ngông cuồng nữa!
Phương Bửu Nhi buồn cười quá, hắn muốn nhìn tận mắt con người đó, xem y có hình dáng như thế nào, nhưng hắn làm sao thực hiện ý muốn đó được? Nhỏng mình lên cao là lộ hẳn hình tích rồi, người ta có khi nào để yên cho hắn đâu?
Thiết Kim Đao dằn cơn phẫn nộ, không thốt lên tiếng nào.
Bên trong bức bình phong, Tử Y Hầu thong thả cất tiếng, hòa hoãn như lúc nào :
- Chiêu thức đó có cái tên là Càn Khôn Phá Thiên, một chiêu thức phát nguyên từ một chiêu kiếm thời thượng cổ, biến đổi dần dần, để tiện dụng trong câu pháp, xem thì chẳng có gì siêu việt, xong rất khó hóa giải.
Hầu gia gọi :
- Châu nhi đâu, ngươi có học qua đao pháp, câu pháp hãy bước ra chỉ điểm cho hắn!
Chừng như nói một câu dài, thành mệt, Hầu gia dừng lại nghỉ xả hơi. Có lẽ bình sanh lão chưa hề nói một câu dài như thế.
Từ sau bình phong, một tiếng vâng dịu dàng đáp lại lịnh Hầu gia, rồi một thiếu nữ vận cung trang yểu điệu bước ra, trên mái tóc đen huyền những hạt châu kết thành vòng chớp sáng.
Thiết Kim Đao thấy Hầu gia nhận thức chiêu câu mà y bị bại dễ dàng như nhìn vào bàn tay, y không khỏi sợ hãi, càng sợ hãi y càng khâm phục sức học uyên thâm của Hầu gia, y định mở miệng tán một câu, nhưng lúc thảng thốt, y chẳng tìm được lời nào xứng đáng, cũng vừa lúc đó, một thiếu nữ xuất hiện dáng dấp yếu đuối lừng chừng không chịu nổi một cơn gió nhẹ thoảng qua!
Thấy thiếu nữ ẻo lả quá, Thiết Kim Đao thất vọng vô cùng. Một con người bạc nhược như vậy làm gì có đủ sở năng chỉ điểm cho y?
Y thầm nghĩ :
- Ta đã đem chiêu thức đó hỏi khắp anh hùng hào kiệt trên sông hồ, chẳng một ai giải thích nổi, thì một thiếu nữ với ngần tuổi đó, với thân vóc đó thì làm gì lãnh hội được chỗ huyền diệu câu pháp và đao pháp mà hòng chỉ điểm ta? Hay là Hầu gia định đùa ta? Lừa ta?
Nhìn qua thần sắc của Thiết Kim Đao, Châu nhi đã biết y đang nghĩ gì rồi, nàng cười nhẹ, đưa tay nắm cánh tay y lay mạnh :
- Đi theo ta!
Thiết Kim Đao dĩ nhiên dù muốn dù không cũng phải đi theo nàng.
Không phải vì lễ độ mà vì nàng lôi y quá mạnh, tường chừng y có cưỡng lại cũng không xong.
Đến lúc đó y mới nhận ra, dù thân hình bạc nhược, thiếu nữ có một công lực thâm hậu vô cùng, có công lực đó hẳn nhiên nàng phải hoài bão một võ công trác tuyệt.
Sau Thiết Kim Đao là bọn Tư Đồ Thanh, Thích Trường Lâm, Đoàn Ngọc Từ Tả Xa và Vũ Nhất Bình năm người lần lượt cùng hiến lễ vật.
Năm người đó là những nhân vật thượng đỉnh trong võ lâm hiện đại.
Họ từ nghìn dặm đến đây, vất vả vô cùng, tất nhiên sở cầu của họ phải quan trọng lắm, và sở cầu quan trọng thì lễ vật phải quan trọng.
Tử Y Hầu bằng một câu năm bảy tiếng, cởi mở thắc mắc của họ dễ dàng, lão không lưu ý đến giá trị của lễ vật, chừng như sự cống hiến lễ vật là một nghi thức được đặt ra để chứng tỏ sự tôn quý của lão, và sự kính ngưỡng của người cầu cạnh vậy thôi.
Nhưng có ai dám xem thường nghi thức đó? Cho nên ai cũng cố tìm vật quý để hiến dâng, mong làm đẹp lòng Hầu gia.
Đó cũng là một lối thông thường của hạng người cầu cạnh, ai ai cũng muốn được trọng vọng hơn, được ưu đãi hơn...
Khi năm người đó đều lui lại, thì Thiết Kim Đao bước ra, mặt lộ niềm hân hoan rõ rệt. Y hướng về bức hình phong, quỳ xuống gật đầu ba lượt.
Linh nhi cười nhẹ :
- Ngươi đã thỏa mãn rồi chứ.
Lần này nàng không gọi y là đại hiệp nữa, nàng giở cái giọng cao của kẻ tùy bậc đại quý lên mặt với bọn người cầu cạnh.
Thiết Kim Đao cung kính thốt :
- Một cuộc đàm thoại với Châu nhi cô nương trong mấy phút, cầm bằng ba mươi năm khổ luyện, tại hạ thu thập được kết quả phi thường, dĩ nhiên phải thỏa mãn. Chẳng biết...
Hầu gia từ trong bức bình phong thốt vọng ra :
- Chẳng có gì khó khăn! Hiện tại ngươi đã học qua cách hóa giải chiêu câu rồi, hãy trở về đi!
Đúng là Hầu gia không muốn cho y nói tiếp, bởi Hầu gia biết rõ, y sẽ tán tụng, chứ chẳng có gì lạ phải nghe.
Thiết Kim Đao lại cúi đầu ba lượt nữa, vâng một tràng lớn đoạn bước ra ngoài.
Linh nhi dõng dạc gọi :
- Vị nào muốn kế tiếp, xin bước ra!
Một giọng nói khàn khàn vang lên :
- Hãy nhường cho con ngựa đó hí trước!
Phương Bửu Nhi giật mình!
Hắn nhận ra ngay người vừa thốt lên câu nói mỉa mai đó không ai khác hơn là Mộc Lang Quân!
Mộc Lang Quân đã đến đây, như vậy thì vị Tử Y Hầu chính là Ngũ Sắc Phàm thuyền chủ.
Và như vậy, Hồ Bất Sáu đại thúc của hắn cũng phải đến đây. Song hiện tại có mặt Hồ Bất Sầu trong số người bên ngoài đó chăng?
Nếu có thì hắn làm sao xuất hiện để hội kiến?
Hắn vừa sợ, vừa mừng lại vừa giận.
Bên ngoài, người bị Mộc Lang Quân gọi là ngựa, sôi giận hét to :
- Mộc lão đầu, ngươi ám chỉ ta?
Mộc Lang Quân điềm nhiên :
- Ngươi có ăn cỏ chăng?
Linh nhi đưa tay che nĩiệng cười khúckhích.
Người bị gọi là ngựa lại hét lớn hơn :
- Còn ngươi, ngươi ăn... ngươi ăn....
Bình sanh y chẳng hề chịu khuất phục trước một ai, hiện tại bị hạ nhục trước đông người, nhưng tại địa điểm này, y còn làm gì hơn? Dù vậy y quát :
- Ngươi có giỏi cứ bước ra!
Tiếp theo câu nói, một bóng người vọt ra khỏi đám đông.
Người đó có thân hình quá ốm, quá cao, lưng gù, gương mặt quá dài, dài bằng ba bốn gương mặt thường, mũi to, mũi chênh lên đang lúc giận, hai cánh phập phồng, đúng là mũi ngựa thở hồng hộc qua đoạn đường dài.
Gọi lão là ngựa, dù có hàm cái ý khôi hài mai mỉa, thật cũng đúng quá!
Phương Bửu Nhi định bụng, thế nào Mộc Lang Quân cũng mắng y như tát nước vào mặt, hắn chờ nghe, hắn thích thú, cơ hồ bật cười thành tiếng.
Mộc Lang Quân cười lạnh :
- Nơi đây là đâu, ngươi có biết chăng, lại toan sanh sự?
Người mặt ngựa vươn hai cánh tay ra, tiếng xương cốt kêu răn rắc, gằn từng tiếng :
- Ngươi không bước ra, ta sẽ chụp ngươi quăng ra cho xem!
Y xòe mười ngón tay, từ từ bước tới.
Phương Bửu Nhi thầm nghĩ :
- Họ định đánh nhau tại đây? Tử Y Hầu có thể để yên cho họ được sao?
Nghĩ vậy, hắn vẫn hy vọng họ đánh nhau, để được xem một trận khoái mắt.
Bỗng hắn thấy mắt mình hoa lên, có một vầng sáng màu vàng, tròn tròn, ngăn trước mặt người mặt ngựa.
Hắn nhìn kỹ, nhận ra vầng sáng tròn tròn đó là một người vừa lùn vừa mập, đầu đội chiếc mão vàng, vận áo dài cũng màu vàng, dung mạo cực kỳ cổ quái.
Đội mão vàng, mặc áo vàng, tất nhiên y phải thuộc hạng giàu có, nhưng giàu có mà lại chẳng có vẻ sung sướng thư thái tí nào cả, gương mặt y đượm nét u buồn.
Phương Bửu Nhi cười thầm :
- Hắn suốt ngày mang niềm tâm sự nặng nề, con người lo âu sầu muộn như vậy lại mập mạp được kể cũng lạ!
Người mặc áo vàng từ từ thốt :
- Người ta tranh trước thì có, ai lại giành sau? Thật bình sanh ta chưa hề thấy một người nào như lão huynh. Mình hãy nói chuyện với nhau một lúc đi!...
Người mặt ngựa hằn học :
- Nhưng Mộc lão đầu...
Người áo vàng chận lại :
- Lão huynh hận lão Mộc? Hận tức là thù, quân tử phục thù chờ đến ba năm cũng chưa gọi là muộn. Nếu lão huynh muốn phục thù, còn thiếu chi ngày, tại sao lại phải hành động ngay hôm nay? Đúng vậy không?
Đúng không hở lão huynh?
Sau bức bình phong, Tử Y Hầu bỗng thở dài :
- Linh nhi, nếu hai kẻ đó còn tranh chấp nữa, ngươi hãy lôi chúng đi đi, đổi lấy rượu ngon vào đây cho ta.
Linh nhi vâng một tiếng rồi co gập người lại mà cười.
Thoạt đầu Phương. Bửu Nhi không hiểu tại sao nàng cười thích như thế, đột nhiên hắn nhớ đến câu thơ của Lý Bạch :
Ngũ Hoa Mã Thiên Kim Cừu Hô Nhi tương xuất, hoán mỹ tửu...
Ngựa năm sắc hoa, áo ngàn vàng, đúng là hai gã đang lý luận bên ngoài. Hắn bất giác cao hứng quá, nhưng kịp dằn cơn cười nôn, vì dằn gấp, thành tức bụng một chút.
Hắn nhìn lại, thấy Tiểu công chúa bò lăn dưới sàn thuyền mà cười, nàng cười đến đỏ cả mặt mày.
Người áo vàng không cười, không giận, chỉnh sắc mặt thốt :
- Bọn chúng tôi xa từ thành Đại Uyển đến đây, quân hầu có thể đem đổi rượu được sao?
Linh nhi vừa cười, vừa đáp :
- Được lắm! Được lắm! Các ngươi từ xứ lạ đến đây, có lễ vật gì, hãy trình xem, có thắc mắc gì, hãy bày tỏ ngay, cho Hầu gia giải quyết.
Phương Bửu Nhi thức ngộ ngay, vì cả hai không phải là người Trung Nguyên, nên có tướng mạo khác thường. Nhưng, đã là người khác nước, họ đến đây để thỉnh cầu sự gì?
Người áo vàng ung dung đưa tay vào mình lấy ra một vuông khăn bằng lụa trắng có lấm tấm như hoa đào, đỏ như máu.
Phương Bửu Nhi cau mày, thầm hỏi :
- Vật gì quái lạ thế?
Linh nhi nhìn chiếc khăn, cau mày hỏi :
- Vật gì thế?
Người áo vàng đáp :
- Xứ Đại Uyển của tại hạ từng sản xuất loại ngựa quý, chính Hán vũ Đế ngày xưa thân bút phê cho là Thiên Mã. Chiếc khăn này có điểm lấm tấm như hoa đào, là dấu mồ hôi máu của loài ngựa đó. Vị quốc chủ của tại hạ, sai tại hạ đưa đến đây ba cặp ngựa, đủ đực cái, cống hiến Hầu gia.
Phương Bửu Nhi từng đọc Hán sử, biết rõ việc đó, xứ Đại Uyển có loại ngựa quý, mồ hôi đỏ như máu, người địa phương gọi là Hãn huyết bửu mã, tuy hắn chưa thấy ngựa như thế nào, hắn vẫn cho là một lễ vật đáng giá lắm.
Linh nhi cười nhẹ :
- Không ngờ vị quốc chủ xứ Đại Uyển lại có việc cần phải thỉnh cầu nơi Hầu gia! Nhưng ngựa hiện giờ ở đâu? Chẳng lẽ ngươi chỉ xuất chiếu mấy giọt mồ hôi ngựa như vậy là đủ?
Người áo vàng tiếp :
- Lão huynh nói Hán ngữ thông thạo, có thể đáp thay cho ta được chăng?
Dĩ nhiên, câu đó phải hướng về người mặt ngựa.
Người mặt ngựa không đợi đến lần thứ hai, đáp liền :
- Ba cặp ngựa hiện tại ở nơi bờ biển, do mười tám dũng sĩ bảo thủ, bất cứ phút giây nào cũng có thể đưa đến đây.
Y đưa tay chỉ người áo vàng, tiếp :
- Vị này là Cam Tôn, chức đệ tam quốc sư tại Đại Uyển, sở dĩ bọn tại hạ đến đây, trước hết vì quốc chủ của bọn tại hạ hết lòng ngưỡng mộ kiếm pháp của Hầu gia, mang lễ vật kết thân, sau đó thỉnh Hầu gia sang Đại Uyển, đương nhậm chức vị Đệ nhất Quốc sư, rất cao, chỉ kém Quốc chủ thôi. Thiết tưởng Hầu gia...
Đột nhiên, Tử y Hầu hừ một tiếng, chận lời :
- Nghe giọng nói của ngươi, ta độ chừng ngươi là người Hán?
Giọng nói của lão khác hẳn các lần trước.
Người mặt ngựa định ưỡn thẳng ngực, song lưng gù thì còn ưỡn ngực làm sao thẳng? Y cố lấy dáng kiêu hãnh đáp :
- Tại hạ vốn là người Hán, thọ ân lớn của Quốc chủ Đại Uyển, thành ra về với Quốc chủ...
Tử y Hầu không hừ nữa, mà lại quát, tuy tiếng quát chưa hẳn là to, vẫn tỏ lộ sự bất mãn rõ rệt :
- Ta không ngờ, là dòng dõi của Hoàng Đế, Hiên Viên, ngươi lại vong bội căn cội phủ nhận tổ tông, thật cái tâm của ngươi đáng bỉ vô cùng! Thật cái hạnh của ngươi đáng miệt vô cùng! Có giết chết ngươi, ngươi cũng chưa rửa được sỉ nhục đó! Nếu ngươi không là tân khách của ta hôm nay, ta lấy thủ cấp ngươi ngay! Lần sau, đừng để ta thấy mặt ngươi! Còn gặp ta là ngươi phải táng mạng đấy!
Đang dương dương tự đắc, người mặt ngựa bị mắng như tát nước vào mặt, thẹn quám sắc diện tái xanh.
Phương Bửu Nhi cao hứng vô cùng. Nếu không bị ràng buộc trong cảnh khó, hắn chẳng ngần ngại vỗ tay reo lên, hắn thầm nghĩ :
- Tử y Hầu đúng là con người biết trọng đại nghĩa! Lão có đầy đủ khí tiết, đáng mặt anh hùng, một bậc đại anh hùng! Nếu mỗi phần tử trong toàn dân đều có khí tiết như lão thì có lo gì bờ cõi chẳng mở mang, nước chẳng giàu, dân chẳng mạnh, uy tín quốc gia chẳng được bảo tồn?
Người áo vàng xuất mồ hôi hạn, đẫm ướt đầu, ướt trán, rung rung giọng ấp úng :
- Nhưng... Hãn Huyết bảo mã...
Tử y Hầu sôi giận :
- Ngươi cho ta là một nhân vật như thế nào? Về mà báo trình lại với quốc chủ ngươi, đừng nói là ba cặp ngựa, dù cho ba ngàn cặp, ba vạn cặp, cũng chẳng nên mong ta đến Đại Uyển đâu!
Người áo vàng mặt vàng như đất :
- Việc ấy... việc ấy...
Đột nhiên, một người mặc áo dài trắng, tóc vàng, đôi mắt xanh biếc từ trong đám đông vọt ra ngoài, tuy khoảng cách từ chỗ đứng đến cục trường chẳng xa lắm, song người đó vẫn biểu diễn một thân pháp cực kỳ ngụy dị, đã ngụy dị tức nhiên tuyệt diệu.
Người đó bật cười ha hả, cao giọng thốt :
- Tử y Hầu lấy mặt biển làm giang san, có cần dùng ngựa làm gì?
Ngươi đem ngựa đến dâng, là làm một việc không hợp lý. Không hợp lý, thì lui lại, nhường cho ta hiến dâng vật hợp lý hơn!
Người đó, nói tiếng Hán rất rành, nhưng giọng nói rất khó nghe.
Người đó, nói được một câu bằng tiếng Hán, ra chiều đắc ý lắm, càng đắc ý hơn nữa là y tưởng câu nói đó, những người hiện diện tại cục trường đều hiểu rõ, y lại cười, cười mấy tiếng rồi tiếp :
- Tôi, từ Lỗ Sỉ, An Tức, đến đây, mang theo lễ vật gồm... gồm... của đại vương... đại vương...
Lỗ Sỉ, An Tức, là những địa danh thuộc xứ Ba Tư ngày nay, như vậy người đó không phải Hán tộc rồi. Tự nhiên, dù hiểu tiếng Hán, y chẳng thể phát âm đúng giọng được.
Y muốn xưng mình là sứ thần của đại vương quốc gia y, song chỉ nói lên được hai tiếng đại vương, rồi không biết tiếp nối làm sao nữa, đành ấp úng, bỏ dở...
Phương Bửu Nhi biết rõ như vậy, hắn thấy thương hại cho y mang một sứ mạng nơi mình, không đủ ngôn ngữ để diễn tả sự tình, nghĩ cũng khổ, hắn muốn thay y, giải thích hộ, song làm sao ra được bên ngoài mà chen vào việc của thiên hạ?
Y ngưng bặt câu nói dở chừng, khiến toàn thể anh hùng hiện diện thì thầm, bàn tán, điều đó làm cho y thêm bối rối hơn.
Chợt một người khác, cũng áo trắng, tóc vàng, trang phục theo người Ba Tư, có thân pháp cũng ngụy dị, tuyệt diệu như người trước, vượt đám đông xuất hiện tại cục trường, cao giọng thốt :
- Chính ta đây mới thực sự là sứ thần của đại vương, ngươi là cái quái gì, từ đâu đến, lại dám mạo...
Giọng nói của người này cũng khó nghe vô cùng, song dù sao thì y vẫn nói thoát được hai tiếng sứ thần, kể ra còn tiến bộ hơn người trước.
Người trước thoáng biến sắc :
- Ngươi? Ngươi là ai? Ngươi từ đâu đến?
Người sau cười mỉa :
- Ta là ai, từ đâu đến? Ta đã nói rồi, ta là sứ thần của đại vương, dĩ nhiên phải từ Lỗ sĩ An Tức mà đến. Ta đến hiến dâng lễ vật cho Hầu gia.
Y vỗ tay kêu bộp một tiếng.
Bốn gã áo trắng tóc vàng khiêng một chiếc rương to đi vào.
Người trước tức quá, dùng Hán ngữ không đủ tả ý tứ, y bật tiếng Ba tư với người sau. Người sau khoát khoát tay, không dùng tiếng Ba tư, mà chỉ dùng tiếng Hán đáp lại, cốt cho những người Hán tại cục trường biết :
- Đừng! Đừng! Trước mặt người Hán, chúng ta không nên nói quốc ngữ, như vậy là vô lễ, khiếm nhã! Người ta có thể bảo mình nói xấu họ đấy!
Người trước vừa bối rối, vừa khẩn trương, dậm chân thình thịch xuống sàn thuyền :
- Lễ vật, do ta mang đến đây, ta là sứ thần, ngươi chẳng phải...
Người sau bĩu môi :
- Chính ta mới thực sự là sứ thần, ngươi chẳng phải là sứ thần!
Rồi cả hai cãi vã với nhau, càng phút càng hăng, những người hiện diện lại được một dịp cười vỡ bụng.
Ngoài họ ra, chỉ có trời mới biết kẻ nào thật là sứ thần, kẻ nào là giả sứ thần! Nhưng, ai giả, ai thực, điều đó có quan hệ gì với đám đông, gặp việc khôi hài, họ cứ cười, cười bằng thích, chẳng ai cấm mà cũng chẳng ai đòi tiền mà sợ!
Linh nhi bực, hét to :
- Hầu gia của ta suýt bị các ngươi làm nhức đầu đấy, muốn tranh luận, cứ lui ra một góc mà tranh luận, khi nào ra lẽ rồi, vào đây mà trình!
Người Ba Tư sau gật đầu :
- Phải! Phải!
Y đưa tay nắm người trước, lôi đến một góc, rồi tiếp tục cãi.
Người trước cứ giậm chân, cứ lắc đầu, cứ gân cổ cãi, nhưng y không hoạt bát bằng người kia.
Bỗng, y nghe nhói ở nơi sườn, rồi toàn thân mềm nhũn, mất cả tự chủ, tuy nhiên, y chưa ngã xuống.
Người Ba Tư sau cười nhẹ :
- Khá lắm, vậy là ngươi biết mình sai quấy, không cãi nữa, có thế mới được chứ! Thôi, cứ ngồi đấy mà nghỉ!
Y đưa tay xô nhẹ, người trước sụm xuống, ngay trên chiếc ghế trừng mắt nhìn, môi mấp máy song không thốt được tiếng nào.
Bên trong bức bình phong, Tử y Hầu thốt vọng ra :
- Ngựa hí, chim kêu, thật làm phiền phức quá! Hãy cho người nào đó, thật sự nói tiếng người, ra trình bày sở cầu đi!
Linh nhi đưa mắt sang Mộc Lang Quân, điểm phớt nụ cười, hỏi :
- Ngươi có nói được tiếng người chăng?
Mộc Lang Quân đứng thẳng người lên, tay ôm một bọc khá lớn, bước tới, cất tiếng :
- Hôm nay đã có đủ dân các nước Đại Uyển, An Tức, Thân Độc, Giao Chỉ đồng đến đây, như vậy chứng tỏ thinh danh của Hầu gia vang dội khắp bốn biển năm hồ, họ có những kỳ trân, dị bảo cung hiến Hầu gia, còn tại hạ... thì dù sao cũng chằng so sánh được với họ, cho nên lễ vật của tại hạ chẳng có gì đáng giá lắm, chỉ bằng vào một tấc lòng thành, mong Hầu gia châm chế cho tại hạ.
Linh nhi cười nhẹ :
- Đúng là tiếng người rồi! Nghe được rồi! Ngươi cứ tiếp đi!
Mộc Lang Quân mở chiếc bọc ra, những vật trong bọc chiếu sáng ngời ánh sáng bắn vào mặt lão, gương mặt bình thường mường tượng vỏ cây, giò đây lại càng giống gỗ vô tưởng.
Phương Bửu Nhi trông thấy lão, lửa giận phừng lên trong tâm, tuy chẳng làm gì được lão, hắn cứ bĩu môi, tỏ vẻ khinh bỉ như thường, mặc dù những biểu lộ đó chỉ để cho mỗi một mình hắn biết.
Mộc Lang Quân tự nhiên không trông thấy hắn, lão chăm chú vào sự việc của lão :
- Tại hạ là Mộc Lang Quân, từ Đông Phương Thanh Mộc Cung đến đây, gia phụ là Mộc Vương...
Tử y Hầu từ từ thốt :
- Không cần phải nương tựa vào oai phong của gia tộc, ngươi đến đây, là ta biết lai lịch ngươi rồi, khỏi kê khai rườm rà.
Mộc Lang Quân tiếp :
- Hôm trước đây, gia phụ bất cẩn, bị yêu nữ Bạch Thủy cung đánh trọng thương toàn thân gần như nát bấy, võ công gần như tiêu tán, những danh y trên giang hồ đều thúc thủ, không phương cứu chữa.
Trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Hầu gia là có thể ban phúc đức cho gia phụ, bởi loại thuốc quý Đại Phong cao của Hầu gia có hiệu dụng chữa trị thương thế đó, cho nên tại hạ không quản ngàn dặm, tìm đến đây, bái kiến Hầu gia, cầu mong Hầu gia đoái thương, cứu một mạng người! Tại hạ xin cung hiến trân bảo của tệ cung.
Tử y Hầu cười thành tiếng :
- Chủ nhân Thanh mộc cung, ngày trước là lãnh tụ của lục lâm hắc đạo toàn quốc, bổn hầu chỉ sợ những trân bảo đó chẳng phải là vật của Thanh Mộc cung.
Không là vật của Thanh Mộc cung, tức nhiên là vật cướp đoạt trên giang hồ, mà vật cướp đoạt có giá trị gì, đối với một người thanh bạch truyền gia? Vật có trọng, là do người có hạnh cao đức trọng, chính Hầu gia muốn nhấn mạnh ở điểm đó.
Mộc Lang Quân không phiền gì câu nói đó, điềm nhiên tiếp :
- Vô luận như thế nào, tại hạ cầu mong Hầu gia xét cho cái tâm thành của tại hạ.
Còn ai biết thần sắc của lão có vì một câu nói mà biến cải đâu bởi gương mặt lão là gương mặt gỗ, do đó, lão có vẻ điềm nhiên như thường.
Tử y Hầu từ từ thốt :
- Ngươi cũng có lý! Việc này nghĩ chẳng có khăn gì...
Bỗng, một người cất tiếng oang oang :
- Không được! Không! Việc đó, khó khăn lắm chứ!...
Buông xong câu nói, người đó vượt đám đông bước ra.
Người đó, chẳng phải ai xa lạ, chính là tên Ba tư sau cùng, đã chế ngự xong tên kia, trở lại.
Mộc Lang Quân sôi giận :
- Tên man di, dị tộc kia, dám buông lung dã tánh, chen vào việc người?
Tên Ba tư không lưu ý đến Mộc lang Quân, hướng thẳng bức bình phong thốt vọng vào Tử y Hầu :
- Chúng tôi trình diện trước, thỉnh cầu trước, Hầu gia phải cứu xét trước, hoặc chấp thuận sở cầu, hoặc từ khước, cho rõ rệt thái độ đối với chúng tôi, rồi sau đó mới định đoạt việc của người khác!
Y nói rành Hán ngữ, nói đủ nghĩa, song âm thanh khó nghe quá, thành chói lỗ tai của mọi người.
Mộc Lang Quân hừ một tiếng :
- Tại sao phải nghe ngươi trước rồi mới đến lượt ta sau? Ngươi có quyền gì tranh phần ưu tiên?
Linh nhi từng nghe người Ba tư có thủ công vô cùng tinh xảo, muốn xem y mang những lễ vật gì cống hiến Hầu gia, vội cười đáp thay y :
- Hãy để cho y trình bày đi, y ở xa, y có nói trước cũng là hợp lý, còn ngươi nên chờ một tý, chẳng việc gì phải gấp!
Mộc Lang Quân chẳng còn biết làm sao hơn, đành hừ một tiếng rồi lùi lại sau.
Tên Ba tư vỗ tay, bọn tùy sai của y mang đến chiếc rương thứ nhất.
Y mỉm cười thốt :
- Nơi này, Hầu gia bày trí chẳng khác gì một thiên cung, nhưng còn thiếu một vật!
Linh nhi trố mắt :
Vật gì?
Tên Ba tư mở chiếc rương ra, lấy một tấm thảm trải nền, bảo kẻ tùy sai căng rộng.
Đúng là một tấm thảm quý, màu sắc huy hoàng, không rõ cấu tạo bằng chất liệu gì. Với tấm thảm đó, gian đại sảnh biến đổi trạng thái ngay, trước đó cũng huy hoàng, cũng tráng lệ, song chỉ là cái huy hoàng tráng lệ thông thường trong những khung cảnh giàu sang, hiện tại rực rỡ hơn mấy phần, vừa tân kỳ, vừa cao quý...
Trên mặt thảm, có bức đồ ghi lại cuộc hành lạc trong hậu cung, quanh cuộc hành lạc đó, có trên trăm người, người nào cũng giống như sống. Đặc biệt nhất là thần tình của mỗi người mỗi khác, nam thì hoặc say khướt, hoặc đang nâng chén, hoặc đang ôm mỹ nữ trong lòng, có kẻ giương mắt nhìn một đám vũ nữ đang hiến tuyệt nghệ.
Còn nữ nhân thì người nào cũng đẹp như tiên nữ, yểu điệu, dịu dàng, người nào cũng lồ lộ phong tư tình tứ.
Tất cả những người có mặt tại gian đại sảnh đều trố mắt, há mồm nhìn.
Đến Tử y Hầu cũng buột miệng thở dài :
- Người tại địa phương An Tức quả có thủ công tinh diệu quán thế!
Tên Ba Tư từ từ thốt :
- Tại nước tôi, nghề dệt thảm này truyền từ đời cha đến đời con, bất tuyệt, mỗi nhà đều có bí quyết riêng, tấm thảm này do đại vương của nước tôi tập hợp những người từng nổi tiếng trong nghề, cộng tất cả độ hai trăm thợ khéo, ngày đêm dệt nên, tổn phí phỏng hàng ngàn vạn, phải mất ba năm mới xong. Tôi dám quả quyết, dưới gầm trời này, chỉ có tấm thảm đó thôi, một tấm thảm duy nhất tự cổ chí kim!
Y cao giọng tiếp nối :
- Nếu Hầu gia dùng tấm thảm này, trải trên nền khách sảnh, hoặc một nơi nào đó, thì còn gì bằng?
Linh nhi khích động rõ rệt :
- Ngươi mang vật quý đến đây, vậy sở cầu của ngươi như thế nào?
Tên Ba tư cười đắc ý :
- Tuy vậy, tấm thảm đó chưa phải là vật quý, so với mấy món sau.
Y lại vỗ tay. Bọn tùy sai khuân vào chiếc rương thứ hai.
Mọi người đều công nhận tấm thảm là vật báu vô song, lại nghe y cho rằng chưa quý bằng những món khác, bất giác, động tính hiếu kỳ, trố mắt nhìn chiếc rương thứ hai, chờ xem trong đó có vật gì.
Nhưng Tử y Hầu đã thốt :
- Ngươi hãy nói sở cầu cho ta biết đi, còn vật gì thì hãy thư thả mà trình ra.
Tên Ba Tư mỉm cười :
- Hầu gia sợ rằng sở cầu của tệ quốc giống như sở cầu của nước Đại Uyển chăng, nên chẳng dám nhìn đến các báu vật khác, nhìn rồi động tâm, khó từ chối chăng?
Tử y Hầu điềm nhiên :
- Ngươi khá thông minh đấy!
Tên Ba Tư tiếp :
- Hầu gia có đại nghĩa vì dân tộc như thế, còn ai chẳng kính trọng?
Nhưng xin Hầu gia yên trí, việc tệ quốc thỉnh cầu, không khó khăn gì, bất quá, mong Hầu gia, trong vòng ba năm thôi, đừng bao giờ cấp cho bất kỳ ai, loại thuốc quý Đại Phong cao!
Từ An Tức đến đây, vượt hàng ngàn dặm đường, mang lễ vật quý báu, chỉ để thỉnh cầu một việc như thế, đơn giản như thế, không làm hao phí mảy may công lục, tâm trí của Hầu gia, khiến cho mọi người lấy làm lạ.
Tên Ba Tư trước, hiển nhiên đã bị tên sau điểm huyệt, tuy bất động song vẫn nghe lọt những gì tên sau trình bày, bất giác gân xanh nổi vồng khắp trán, khắp mặt, biến gương mặt y thành xanh dờn, gương mặt càng xanh, mắt y càng mở to, mặt xanh nhưng mắt đỏ, chừng như tóe lửa.
Nhưng chẳng phải một mình y sôi giận, Mộc Lang Quân cũng sôi giận, có lẽ còn cao độ hơn y :
- Quái vật nào ở đâu, dám đến đây toan phá hòng việc của ta?
Linh nhi đã kịp thời ngăn chặn lão :
- Hầu gia chưa đáp ứng thỉnh nguyện của hắn kia mà? Ngươi nóng nảy làm chi? Cứ xem chiếc rương kia chứa đựng vật gì trước, rồi hãy đề cập đến việc khác.
Mộc Lang Quân hằn học :
- Nhưng....
Linh nhi trầm gương mặt :
- Giả sử Hầu gia đáp ứng hắn, liệu ngươi có ngăn trở được chăng?
Mộc Lang Quân biết rõ, nàng thích xem vật gì trong chiếc rương nên có giọng nói đó, chứ chẳng phải ác ý gì đối với bên nào, che chở bên nào, song lão không khỏi tức uất. Rồi lão nghĩ, tức uất cũng chẳng làm gì được ai, thành lão dằn lòng, day qua tên Ba Tư gằn giọng :
- Ngươi đợi chừng nào mới mở rương ra?
Tên Ba Tư đáp nhanh :
- Mở liền! Liền bây giờ.
Câu giục đó, đáng lý Mộc Lang Quân để cho Linh nhi mới phải, vì lão nóng quá, muốn cho việc xuất trình báu vật chóng qua, để còn nghĩ đến việc khác, nên hớt trước mà hối thúc tên Ba Tư.
Nắp rương vừa hé lên, một điệu nhạc du dương từ trong phát ra, kế tiếp, một gã lùn, cao không quá ba thước, tay cầm đàn năm dây, nhảy vọt ra ngoài, vừa ra khỏi rương là nhào lộn trên sàn thuyền, nhào đến trước tấm bình phong, đứng lại, dạo đàn liền.
Gã lùn trông như một trẻ nít, nhưng gương mặt giống kẻ trưởng thành, mọi người đều kinh dị, không ngờ một chiếc rương có thể chứa được người.